Tổng quan Nuôi ngựa

Một con ngựa đang ăn cám tổng hợp

Nhìn chung, việc nuôi ngựa và chăm sóc ngựa là một kỳ công, đặc biệt là người nuôi (nài ngựa) phải có kinh nghiệm và sự am hiểu về tâm sinh lý của con vật. Ngựa là loài rất dễ nuôi, bởi chúng thích ăn tạp hầu như tất cả các củ, quả, rau, cỏ, thóc, ngô, cám gạo, mặc dù vậy ngựa thường rất nhạy cảm với những thức ăn không hợp vệ sinh, chỉ cần ăn hay uống phải nước bẩn thì ngựa dễ bị đau bụng dẫn đến ốm chết. Nuôi ngựa không khó mà cũng không dễ, người nuôi phải chăm ngựa như nuôi con. Ngựa ở sạch hơn cả con người, chỉ cần nó toát mồ hôi nhiều và ngửi thấy mùi mồ hôi của mình, con ngựa lập tức tỏ vẻ khó chịu và mệt mỏi, rồi dở chứng. Ngựa cũng ốm đau, bệnh tật, ăn ở, tắm rửa kỹ lưỡng hơn cả con người.

Phương thức

Một số phương thức chăn nuôi ngựa hiện nay Ngựa được chăn nuôi rộng khắp ở các vùng địa lý, kinh tế với tập quán hướng sử dụng khác nhau đã tạo nên những phương thức chăn nuôi khác nhau.

Phương thức chăn nuôi bầy đàn: Ngựa được chăn nuôi với số lượng vừa phải trong các hộ gia đình hay trong các nông trang trại với mục đích kết hợp làm việc và sinh sản. Phương thức này đã tồn tại từ lâu đời đối với những dân du mục ở các vùng thảo nguyên hoặc những vùng chăn nuôi chưa phát triển. Với phương thức này ngựa đực và ngựa cái được nuôi chung đàn, phối giống tự do, ít có sự tác động của con người. Ở Việt Nam phương thức này đã tồn tại ở một số địa phương: Bắc Kạn, Lào Cai, Cao Bằng, Hà Giang Ngựa được quản lý trong hộ gia đình trong vụ trồng trọt từ tháng 11 năm trước đến tháng 4 năm sau. Những ngày thả rông cũng là mùa sinh sản, ngựa đực và ngựa cái phối giống tự do. Phương thức chăn nuôi này cho năng suất rất thấp, dẫn đến khả năng sinh trưởng kém.

Phương thức chăn nuôi bán chăn thả: Phương thức này được áp dụng ở những hộ chăn nuôi có định hướng, có mục đích. Người chăn nuôi có chọn giống, có tác động khoa học kỹ thuật và tuyển ngựa theo mục đích riêng. Phương thức này có hai hình thức chăn nuôi đó là:

  • Chăn nuôi ngựa theo từng cá thể: Những ngựa đực và ngựa cái chuyên dùng để nhân giống, hoặc chuyên dùng cho việc sản xuất gắn liền với từng chủ hộ và những yêu cầu nhất định của người chăn nuôi. Ngựa được tuyển chọn theo mục đích riêng và được quản lý, chăm sóc, nuôi dưỡng riêng biệt. Việc chăn thả ngựa chỉ là hình thức vận động hoặc vận động có quy trình kỹ thuật. Phương thức chăn nuôi này đã có tổ chức phối giống, có sự theo dõi chặt chẽ ngựa đực và ngựa cái, có áp dụng kỹ thuật phối giống và theo dõi đánh giá khả năng sinh sản của ngựa. Sử dụng phương thức chăn nuôi này nếu người chăn nuôi không được trang bị đầy đủ về kỹ thuật sinh sản của ngựa thì tỷ lệ thụ thai thấp.
  • Chăn nuôi theo nhóm được áp dụng tại các nông hộ hoặc trong các nông trang trại, số lượng ngựa đực và ngựa cái được điều chỉnh theo tỷ lệ và được tuyển chọn nuôi kết hợp sinh sản và làm việc. Phương thức chăn nuôi này có thể áp dụng những tiến bộ khoa học kỹ thuật nhất định trong việc chọn giống và nâng cao năng suất sinh sản. Ngoài niềm đam mê, người nuôi ngựa phải biết chắt lọc kinh nghiệm, tích lũy kiến thức khoa học cần thiết.

Một thống kê từ năm 2000 đến nay, số lượng ngựa ở Việt Nam đã giảm nhanh chóng, từ 126.500 con hiện chỉ còn 88.100 con do giao thông miền núi đã được cải thiện nhưng cái chính là do phong trào nấu cao, xẻ thịt. Chỉ riêng ở huyện Phú Bình-Thái Nguyên, mỗi tuần đều có 200 con ngựa được chuyển từ trên miền núi về để thịt hoặc nấu cao. Tuy nhiên khoảng 3-4 năm gần đây, phong trào nuôi ngựa lại mạnh trở lại do nhu cầu sử dụng ngựa làm du lịch, cưỡi, làm cảnh diễn ra khá mạnh ở Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Huế, Lào Cai, Hà Giang. Trại Bá Vân là lò sản xuất ngựa đua đầu tiên. Hiện nay đã có thêm một số trung tâm nuôi ngựa như ở Nha Trang (Khánh Hòa), Đức Hòa (Long An) hoặc Củ Chi.

Nhiều người từ tận miền Nam ra để lùng mua ngựa đua, ngựa cảnh thì tôi cũng gặp rất nhiều nông dân ở Thái Nguyên, Bắc Giang, Bắc Kạn tìm vào xin nhận chuyển giao về làng bản để nuôi làm ngựa thồ kéo, cưỡi hoặc lập trang trại ngựa thịt. Trại ngựa Bá Vân để bảo tồn nguồn gene ngựa Việt, chuyên nuôi dưỡng, bảo tồn và lai tạo những giống ngựa thuộc loại quý hiếm. Đây cũng là nơi sản xuất ngựa đầu tiên và lâu đời nhất. Mỗi khu là một giống ngựa khác nhau. Để nghiên cứu, bảo tồn, nhân giống và lai tạo rất nhiều giống ngựa. Trong đó, quý nhất là giống ngựa đua và ngựa bạch. Ngoài ra còn có những con ngựa lai khác.

Chọn giống

Bài chi tiết: Giống ngựa

Tùy vào mục đích sử dụng người ta có thể chọn con giống có những đặc điểm phù hợp. Thời gian chọn giống cần tiến hành chọn giống là từ giai đoạn 6 tháng tuổi. Nếu chọn ngựa để thồ hàng thì chọn con mình ngắn, chân to, độ dài vừa phải. Còn nếu chọn ngựa để cưỡi thì chọn con mình dài, chân nhỏ và cao. Đối với các giống ngựa đua, muốn huấn luyện một con ngựa đua đạt chuẩn phải có đủ hai yếu tố quan trọng là giống và kỹ thuật. Trong đó điều kiện tiên quyết phải chọn theo dòng máu, gia phả và truyền thống thi đấu của dòng họ con ngựa ấy. Dựa vào lý lịch, hệ phả thì người nuôi phải chọn ngựa có bố mẹ khỏe mạnh, khả năng sinh sản, làm việc tốt. Dựa vào đặc điểm ngoại hình chúng khỏe mạnh, cân đối, không bị dị tật, mắt to tròn, tinh nhanh, tai ve vẩy, linh hoạt, cổ chân thẳng, móng tròn, màu lông đồng nhất, bộ phận sinh dục bình thường.

Một con ngựa đua thường được lựa chọn rất gắt gao, phải chọn dòng, chọn giống, lý lịch phả hệ kỹ càng. Nếu ngựa cha, mẹ có tốt, ngựa con đẻ ra mới là ngựa đua bản lĩnh. Ngựa đua cũng được đăng ký làm giấy khai sinh, đầy đủ thông tin chi tiết như tên, năm sinh, giới tính, màu lông, đặc điểm nhận dạng, tên ngựa cha mẹ, tên chủ nuôi. Giấy khai sinh đối với một chú ngựa đua rất quan trọng, vì nếu không có nó, chú ngựa sẽ không được phép tham sự các cuộc đua. Hầu hết chủ ngựa khi đặt tên ngựa sẽ dựa vào sở thích, hay gửi gắm vào đó một thông điệp, khát vọng. Có những chủ ngựa thích đặt theo tên người nổi tiếng. Một lưu ý khác, tên ngựa đua khi ra trường đua cũng không được trùng nhau. Nếu trùng, sẽ phải làm lại giấy khai sinh khá phiền phức.

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Nuôi ngựa http://www.dpi.nsw.gov.au/agriculture/livestock/ho... http://www.aphis.usda.gov/lpa/pubs/eiaumr.pdf http://www.aaep.org http://www.aaep.org/health_articles_view.php?id=12... http://www.aaep.org/health_articles_view.php?id=16... http://www.aaep.org/health_articles_view.php?id=19... http://www.aaep.org/health_articles_view.php?id=44 http://www.wdl.org/en/item/4268 http://baophapluat.vn/giao-duc/huyen-thoai-ngua-du... http://nld.com.vn/cong-doan/giu-lua-nghe-nuoi-ngua...